Cấu hình website

60 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN VÀ CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM HÀ NỘI

I/ Quá trình hình thành và phát triển nhà trường

Lịch sử xây dựng và phát triển của Trường có thể chia thành 5 giai đoạn

1/ Giai đoạn 1962-1972 (mới thành lập, trực thuộc nhà máy đường Vạn Điểm):

Trường CĐN CĐ&CBTP Hà Nội, tiền thân là trường kỹ thuật cơ khí đường, thành lập tháng 3 năm 1962, trực thuộc Nhà máy đường Vạn điểm, có nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ cho nhà máy đường và các nhà máy chế biến thực phẩm của Bộ ở các tỉnh phía Bắc.

Hiệu trưởng trường là giám đốc nhà máy đường Vạn Điểm kiêm nhiệm, đó là các Ông Nguyễn Ngọc Ty, ông Mạnh Xuân Tâm; Hiệu phó là các ông Phùng Văn Hoành, ông Dương Trung Bình.

2/ Giai đoạn 1973-1983 (giai đoạn trực thuộc Liên hiệp Mía đường 1).

Ngày 21/10/1973, Trường Công nhân kỹ thuật Cơ khí Vạn Điểm được thành lập trực thuộc Liên hiệp mía đường I. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CNKT cho các nhà máy đường ở phía Bắc. Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn này là: Ông Nguyễn Ngọc Khanh, nguyên giám đốc nhà máy Cơ khí Vạn điểm.

Thời kỳ này, công tác đào tạo nghề dần đi vào nề nếp, trường trở thành một đơn vị có pháp nhân độc lập, có tài khoản và có con dấu riêng. Trường được đầu tư xây dựng trên khu đất 1,2ha thuộc xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Khu A hiện nay), một xưởng thực hành và hai dãy nhà 2 tầng được xây dựng vừa làm KTX vùa làm trụ sở làm việc của trường, một số trang thiết bị đào tạo được nhận từ Nhà máy đường Vạn Điểm, một số được đầu tư mua sắm. Quy mô đào tạo tăng lên 300 học sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên tăng lên khoảng 40 người.

3/ Giai đoạn 1984-1994 (trường CNKT trực thuộc Bộ)

Năm 1983, trường được trở thành trường trực thuộc Bộ Công nghiệp thực phẩm và đổi tên thành trường Công nhân Cơ điện II. Đây là thời kỳ xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn, giảm biên chế hoặc giải thể, tìm việc làm cho học sinh sau khi ra trường rất khó khó khăn, CSVC của trường và đời sống cán bộ giáo viên và học sinh rất khó khăn. Nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thực hiện đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, mở thêm nhiều nghề mới: Sửa chữa và vận hành máy lạnh; Điện tử dân dụng; Cơ khí động lực; Chế biến thực phẩm...vv, tăng quy mô tuyển sinh lên 200hs/1 năm phục vụ các đơn vị của ngành Nông nghiệp và các địa phương.

Hiệu trưởng nhà trường: Ông An Văn Thiện; Hiệu phó là các ông Lương Thành Diễn, ông Nguyễn Đức Phong. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường từ 48-52 người. Nhà trường được đầu tư xây dựng một nhà học lý thuyết 2 tầng và nhà hiệu bộ 3 tầng, một nhà KTX 2 tầng, trang thiết bị vẫn còn thiếu và lạc hậu.

4/ Giai đoạn 1995-2006 (đào tạo phục vụ chương trình Mía đường và CB rau quả)

  - Từ năm 1995-2000: Để phục vụ Chương trình phát triển ngành công nghiệp Mía đường với mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường vào năm 2000, nhà trường được Bộ NN và PTNT giao nhiệm vụ đào tạo công nhân công nghệ sản xuất đường mía và các nghề phụ trợ. Nhà trường đã đào tạo mới gần như toàn bộ công nhân cho các nhà máy đường Đaklak, Quảng Ngãi, Tuy Hòa (Phú Yên), Lam Sơn 2, Nông Cống, Liên doanh Việt Đài (Thanh Hóa), Nhà máy đường Sông Con, LD mía đường Nghệ An Tate and Lyle (tỉnh Nghệ An); các nhà máy đường Sơn La, Sơn Dương, Cao Bằng...

Quy mô tuyển sinh tăng từ 150 lên đến 500 học sinh vào năm 2000. Thời kỳ này, nhiệm vụ của trường là đào tạo công nhân cho các nhà máy đường ở các tỉnh từ miền Trung trung bộ trở ra.

Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên: 65 người, một số giáo viên là cán bộ kỹ thuật và công nhân bậc cao của nhà máy Đường Vạn Điểm hơn 30 người.

Giai đoạn 2000-2006: Đào tạo CNKT phục vụ các nhà máy sản xuất cồn và chế biến rau quả thuộc Bộ và các địa phương.

Trong những năm từ 1995 - 2006, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng trên 6.000 công nhân kỹ thuật cho các dự án thuộc Chương trình 1 triệu tấn đường của Bộ và các nhà máy sản xuất cồn, chế biến thực phẩm, rau quả, hầu như 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm sau khi tốt nghiệp.

5/ Giai đoạn từ năm 2007 đến nay.

Từ năm 2007, trường được nâng cấp thành trường Trung cấp nghề Cơ điện và Chế biến thực phẩm Hà Tây.

Hiệu trưởng nhà trường: Ông Trần Đình Hưng; Phó hiệu trưởng: Ông Nguyễn Thanh Bình. Quy mô tuyển sinh tăng từ 650 (năm 2007) và 850HS (năm 2011).

Do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, tình hình tuyển sinh của các trường dạy nghề rất khó khăn. Nhà trường có sự đổi mới mạnh mẽ về chất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CNH, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Bộ máy của nhà trường hiện nay gồm có: Ban giám hiệu; - 4 phòng chức năng: Phòng TCHC; Phòng Đào tạo; Phòng TCKT; Phòng Quản lý HSSV; - 3 khoa chuyên môn: Khoa Điện - Điện tử và CNTT; Khoa Cơ khí - Động lực; Khoa Kinh tế và Công nghệ thực phẩm

Nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà trường đã cử nhiều cán bộ giáo viên đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ kết hợp với tuyển dụng những giáo viên có trình độ cao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường đã có sự phát triển cả số lượng và chất lượng. Tổng số Lao động trong nhà trường hiện nay là hơn 100 người, trong đó giáo viên giảng dạy 81 người;

- Về trình độ đội ngũ:

+ Có 01 TS.

+ 50 người tốt nghiệp Thạc sỹ, 8 người đang học Thạc sỹ.

+ Còn lại 100% đạt trình độ chuẩn giáo viên dạy nghề.

+ 100% giáo viên có trình độ ngoại ngữ, tin học trình độ B trở lên.

+ Về nghiệp vụ sư phạm: 100% giáo viên có trình độ Sư phạm dạy nghề và tương đương.

Để phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, Nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm nhiều thiết bị hiện đại, mở rộng đất đai, xây dựng Chiến lược phát triển trường, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên khu A với 2,1ha hiện nay: Xây dựng nhà lớp học 5 tầng hiện đại, khu ký túc xá 4 tầng, nhà ăn, nhà GD thể chất, thư viện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư mua sắm: Phòng Chế biến thực phẩm, thực hành Điện CN, tự động hóa PLC, thực hành cắt gọt kim loại, CNC, thực hành hàn tự động và Robot hàn; thực hành điện lạnh, Công nghệ ôtô, thực hành CNTT, Kế toán DN…, Thư viện có hơn 2.000 đầu sách. Cơ sở vật chất của nhà trường đã khá khang trang sạch đẹp.

Hiện nay nhà trường có khả năng đào tạo 3 cấp trình độ: Cao đẳng nghề (8 nghề), Trung cấp nghề (10 nghề), Sơ cấp nghề với quy mô đào tạo trên 2.000 HSSV. Nhà trường đã liên kết với các trường Đại học mở các lớp liên kết đào tạo Đại học và liên thông tại trường, đáp ứng nhu cầu học tập cho cán bộ viên chức và nhân dân.

III/ Những thành tích đã đạt được

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng được hơn 30.000 lao động, trong đó hơn 20.000 đào tạo chính quy CN và cán bộ kỹ thuật phục vụ các đơn vị trong ngành nông nghiệp và các địa phương.

Thực hiện Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn và Quyết định 1956 của Thủ tướng CP về dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ nhiều năm nay, nhà trường đã tổ chức 42 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, thời gian học từ 3 đến 5 tháng, người học không phải đóng bất kỳ một khoản kinh phí nào, trên 80% tốt nghiệp được tiếp nhận làm việc sau khi tốt nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ổn định và phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Nhà trường đã và đang trở thành một địa chỉ học tập, đào tạo tin cậy cho các doanh nghiệp và địa phương ở miền Bắc và bắc Trung bộ, một điểm sáng về văn hóa, giáo dục và các hoạt động xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Nhiều thế hệ HSSV của nhà trường đã trở thành những người thợ giỏi, những cán bộ quản lý giỏi, chủ các doanh nghiệp, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Thành tích của tập thể cán bộ viên chức và HSSV nhà trường đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cáo quý: Huân chương lao động hạng Ba (năm 2.000), Huân chương Lao động hàng Nhì (năm 2010), Cơ quan văn hóa (lần 1 và lần 2); nhiều Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, Bộ Lao động - TBXH, đã được trao tặng cho các tập thể và cá nhân của nhà trường; Nhiều CSTĐ cấp Bộ; nhiều giáo viên dạy giỏi học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố; các giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi; giải thưởng Trần Văn Ơn đã được trao tặng cho nhiều giáo viên và học sinh sinh viên nhà trường. 

IV/ Phương hướng phát triển của Nhà trường trong những năm tới :

Chiến lược phát triển trường, đến năm 2025, quy mô đào tạo đạt từ 2.500 đến 3.200HSSV, đội cán bộ giáo viên có 250 người, trong đó 60% có trình độ Tiến sỹ và Thạc sỹ, mở thêm nhiều nghề mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, xây dựng nhiều nghề đạt chuẩn Quốc gia và chuẩn khu vực, diện tích trường được mở rộng thêm 3,3ha.

Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường quyết tâm phấn đấu xây dựng Nhà trường thực sự trở thành một trường đào tạo nghề trọng điểm, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế của khu vực phía bắc và vùng kinh tế trọng điểm: Đồng bằng Châu thổ Sông Hồng.

PHÓ HIỆU TRƯỞNG PHỤ TRÁCH

THS. Nguyễn Mạnh Quyền